NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ RỐI LOẠN SÀN CHẬU

Theo thống kê, gần 50% phụ nữ trên 40 tuổi bị són tiểu, 50% phụ nữ trên 50 tuổi bị sa bàng quang, tử cung, sa ruột vào trong âm đạo. Trong đó, cứ 5 người thì có 1 người bị sa từ 2 cơ quan trở lên (còn gọi là sa các tạng vùng chậu).  

Sàn chậu nữ là gì? 

Sàn chậu là khối cân cơ, dây chằng căng ra như tấm lưới lò xo từ trước ra sau khung xương chậu, nâng đỡ cho các cơ quan vùng bụng chậu như ruột, bàng quang, tử cung, trực tràng. Sàn chậu bình thường sẽ giúp các cơ quan này không sa ra khỏi cửa mình người phụ nữ và chức năng các cơ quan như sinh dục, đường tiểu dưới và tiêu hóa dưới hoạt động ổn định, đem lại cho chúng ta sự thoải mái trong mọi sinh hoạt, vận động và làm việc.

Theo thống kê, cứ 3 phụ nữ đã từng sinh con, có 1 người bị són tiểu và sau 5 năm thì 90% trong số họ sẽ thành bệnh lý són tiểu thực sự.

Rối loạn chức năng sàn chậu

“Mang thai và sinh nở là thiên chức thiêng liêng của phụ nữ. Nhưng những tác động của sức nặng thai kỳ và áp lực căng giãn của cuộc sinh lên hệ thống sàn chậu khiến phụ nữ gặp tình trạng rối loạn chức năng sàn chậu ngay từ trong thai kỳ đến sau sinh và cả sau này”. 

Bệnh lý sàn chậu xảy ra khá phổ biến ở phụ nữ với tần suất gấp 4 lần nam giới, do liên quan trực tiếp đến mang thai, sanh nở, thiếu hụt nội tiết giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh. Đây là bệnh lý có ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống người bệnh, gây thiếu tự tin và điều trị dai dẳng, tốn kém.

Các nhóm bệnh về sàn chậu trải rộng trên 3 chuyên khoa như gồm: Niệu khoa, Phụ khoa và Hậu môn trực tràng.

  • Rối loạn đi tiểu: són tiểu, tiểu nhiều lần, tiểu không hết, tiểu khó, tiểu đêm.
  • Rối loạn đại tiện: són hơi, són phân, đại tiện nhiều lần, không hết, táo bón hoặc đau bụng, đau thốn hậu môn khi mắc đại tiện.
  • Rối loạn sinh hoạt tình dục: giãn rộng âm đạo, giao hợp giảm cảm giác hoặc đau, không giao hợp được.

Cụ thể, các khối sa ở vùng sinh dục như sa tử cung, bàng quang, trực tràng, ruột, mỏm cắt sau cắt tử cung tạo khối phồng to ở cửa mình gây đau tức, khó chịu, tiêu tiểu lắt nhắt hoặc khó hoặc thậm chí sa ra hẳn khỏi cửa mình người phụ nữ gây mặc cảm với bạn đời, đau đớn, trợt loét, chảy máu, nhiễm trùng, ứ nước trên thận gây suy thận.

Theo thống kê, khoảng 30% phụ nữ mang thai có triệu chứng rối loạn đi tiểu, sau đó sẽ thuyên giảm tự nhiên trong vòng 3 tháng sau sinh. Tuy nhiên, nếu những phụ nữ này không chủ động khám, chăm sóc sàn chậu sớm sau sinh thì sau một năm, các triệu chứng rối loạn đi tiểu sẽ quay trở lại. Hiện tại, cứ 3 phụ nữ đã từng sinh thì có 1 người bị són tiểu và sau 5 năm thì 90% trong số họ sẽ thành bệnh lý són tiểu thực sự.

Bên cạnh đó, đến 50 tuổi sẽ có 50% phụ nữ bị sa ít nhất 1 cơ quan vùng chậu như ruột, bàng quang, tử cung, trực tràng, và 70% phụ nữ trong số này bị sa phối hợp từ 2 cơ quan trở lên khiến cho việc điều trị triệt để rất tốn kém và khó khăn gây ảnh hưởng lớn đến tinh thần, chất lượng cuộc sống, gây mặc cảm, thiếu tự tin trong giao tiếp và công việc của người bệnh.

Ai cần khám sàn chậu trong thai kỳ? 

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, bệnh lý sàn chậu nữ sẽ dễ dàng phòng ngừa và khắc phục hơn nếu mọi người nhận thấy được tầm quan trọng của việc khám sàn chậu. Những phụ nữ có những đặc điểm sau đây nên chủ động đi khám sàn chậu trong thai kỳ:

  • Sản phụ có tiền sử mang thai lần trước bị són tiểu, sinh con to > 3500g hoặc rách tầng sinh môn nhiều.
  • Mang thai con lần thứ 3
  • Mang song thai, tam thai
  • Tăng cân nhanh, > 3kg mỗi tháng
  • Ước lượng thai lần này sinh ra > 3500g
  • Có triệu chứng của bệnh sàn chậu: sa tử cung, són tiểu, tiểu lắt nhắt, tiểu nhiều lần, tiểu khó hoặc bí tiểu, són hơi, đi đại tiện gấp, hoặc són phân, táo bón, đau khớp vệ, đau lưng.

Quá trình mang thai và sinh nở đều có tác động tổn thương lên sàn chậu nên theo khuyến cáo hiện nay tất cả phụ nữ sau sinh (dù sinh ngả âm đạo hay sinh mổ) cũng cần được khám đánh giá chức năng sàn chậu ít nhất 1 lần bởi bác sĩ chuyên khoa sàn chậu.

Việc thăm khám sàn chậu sau sinh có thể trong vòng 2-3 ngày sau sinh (trước khi xuất viện) đặc biệt ngay sau các cuộc sinh khó, sinh dụng cụ (kềm, giác hút), sinh con to ngả âm đạo hoặc thời điểm 1 tháng, 3 tháng sau sinh.

Lợi ích của việc tập luyện cơ sàn chậu

Tập luyện cơ sàn chậu có thể giúp ngăn ngừa và điều trị hiệu quả 80% bệnh són tiểu, tiểu đêm hay mắc tiểu không cầm được, són hơi, són phân cho phụ nữ mang thai và sau sinh. Bên cạnh đó, việc tập luyện đúng cách còn giúp ngăn ngừa hiện tượng sa các tạng trong vùng chậu như sa tử cung, bàng quang, trực tràng. Trong trường hợp bệnh nhân đã bị sa thì việc tập luyện này sẽ giúp ngăn ngừa không để sa nặng hơn.

Đặc biệt, tập cơ sàn chậu đúng cách cũng mang lại cho bạn cảm giác thoải mái và tự tin trong cuộc sống, đồng thời cải thiện hoặc tăng cảm giác tình dục ở cả nữ và nam.

Quy trình khám sàn chậu sau sinh thường bao gồm:

– Thăm khám tổng quát, đánh giá phục hồi sức khỏe sau sinh.

– Thăm khám đánh giá chức năng sàn chậu

– Tư vấn điều trị: chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, tập vật lý trị liệu sàn chậu, tập phản hồi sinh học, kích thích điện cơ, tập luyện bàng quang và ruột kiểm soát theo ý muốn, tập săn chắc âm đạo và các điều trị chuyên sâu về thủ thuật, phẫu thuật.

  • Thăm khám tổng quát

Thông thường, từ 4 đến 6 tuần sau sinh mẹ nên đi khám hậu sản. Đối với những trường hợp xảy ra biến chứng bất kỳ, bạn có thể đi khám sớm hơn. Bạn sẽ được thăm khám một cách toàn diện bao gồm:

  •  Khám tổng quát, kiểm tra cân nặng, theo dõi huyết áp, đường huyết nếu quá trình mang thai có các bệnh lý như tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ, đánh giá tình trạng hở cơ bụng, đau lưng sau sinh.
  • Khám âm đạo, khám vùng chậu, làm xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung nếu có tổn thương nghi ngờ.

Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ được làm những xét nghiệm cần thiết khác như: xét nghiệm công thức máu để kiểm tra tình trạng thiếu máu sau sinh, phân tích nước tiểu, soi tươi huyết trắng, siêu âm kiểm tra tử cung và hai phần phụ.

  • Tư vấn

Nuôi con bằng sữa mẹ: tư vấn các vấn đề liên quan đến cho con bú, dinh dưỡng tăng cường sữa mẹ. Khuyến khích các bà mẹ cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên.

Tư vấn ngừa thai: bạn sẽ được tư vấn để chọn lựa những biện pháp thích hợp với từng trường hợp cụ thể, như sử dụng bao cao su, dụng cụ tử cung, thuốc tránh thai dạng uống dành cho người có và không cho con bú sữa mẹ, thuốc tiêm ngừa thai, que cấy ngừa thai hay miếng dán ngừa thai.

Quan hệ tình dục sau sinh: khi nào người phụ nữ có thể quan hệ tình dục lại sau sinh là một câu hỏi thường gặp. Ngoài ra, sau sinh phụ nữ sẽ gặp phải nhiều vấn đề như giao hợp đau, vì lo lắng, giảm hormone nữ Estrogen khi cho con bú, hoặc thiếu tự tin về cơ thể mình. Cho nên trong lần khám này, bạn cũng có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để tìm một giải pháp thích hợp cho bản thân.

Thay đổi tâm lý sau sinh: theo nhiều nghiên cứu thì đến 85% phụ nữ cảm thấy có những triệu chứng buồn phiền trong giai đoạn 2 tuần đầu thích nghi với việc chăm con nhỏ, cho con bú. Trong đó có đến 15% các bà mẹ mắc chứng trầm cảm sau sinh. Nếu những triệu chứng nghiêm trọng kéo dài hơn 2 tuần, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn điều trị.

  • Thăm khám đánh giá sàn chậu

Khi đi thăm khám đánh giá sàn chậu, bạn sẽ được trả lời những câu hỏi về biểu hiện của rối loạn chức năng sàn chậu. Bao gồm những triệu chứng bất thường đi tiêu, tiểu trước và sau khi sinh, những thói quen sinh hoạt trước nay, bệnh lý trước sinh, phương pháp sinh, cân nặng bé lúc sinh. “Ngoài ra, các bác sĩ cũng sẽ thăm khám và đánh giá sự lành vết thương của vùng âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, đánh giá tình trạng sàn chậu, sự phục hồi, đặc biệt sức cơ sàn chậu, độ giãn, sa các cơ quan vào trong âm đạo từ đó có hướng điều trị hợp lý cho từng cá nhân”.

  • Tư vấn điều trị rối loạn chức năng sàn chậu

Những bài tập thể dục sai, những thói quen kiêng khem không khoa học trong thời kỳ hậu sản sẽ ảnh hưởng, hoặc làm nặng nề hơn tình trạng rối loạn chức năng sàn chậu. Do đó, bạn cần được thăm khám bởi các bác sĩ và chuyên viên, nhằm có kế hoạch điều trị thích hợp.

Ưu điểm của dịch vụ khám sàn chậu

  • Nội khoa: vật lý trị liệu sàn chậu, tập phản hồi sinh học và kích thích điện cơ sàn chậu, thuốc phối hợp, đặt vòng nâng tử cung, hướng dẫn thay đổi thói quen và chế độ ăn uống, sinh hoạt vận động phù hợp.
  • Ngoại khoa: cá thể hóa và chuyên sâu từng trường hợp để có giải pháp điều trị phù hợp nhất, đem lại kết quả tốt nhất như may sửa khép nhỏ âm đạo giãn rộng, sẹo xấu gây co kéo, đau cứng âm đạo, các phẫu thuật treo nâng tử cung, bàng quang, trực tràng giúp phục hồi cấu trúc nâng đỡ sàn chậu qua ngả âm đạo và ngả phẫu thuật nội soi ổ bụng với kỹ thuật, phương tiện phẫu thuật và phòng mổ hiện đại, tiên tiến đảm bảo tính an toàn, thẩm mỹ cao, xâm lấn tối thiểu, giúp người bệnh mau hồi phục sức khỏe.

Các chuyên gia sàn chậu cũng sẽ đưa ra những khuyến cáo về việc phục hồi lại độ săn chắc bình thường của sàn chậu để các cơ quan trong vùng bụng, chậu không sa ra ngoài âm đạo, kiểm soát tốt chức năng các cơ quan sinh dục, tiết niệu, tiêu hóa, khép nhỏ lại âm đạo trước khi trở lại các sinh hoạt, vận động nặng, chạy bộ, tập thể thao mạnh hoặc mang thai và sinh con tiếp.

Các gói tập sàn chậu

Gói thể dục sàn chậu: Hướng dẫn tập thể dục sàn chậu sau sinh tại phòng tập sàn chậu 3 buổi/ tuần. Chuyên viên sàn chậu sẽ tập kỹ và giải thích từng động tác để bạn tập đúng và thuộc bài. Sau 3 buổi, bạn hoàn toàn có thể tự tập được ở nhà, thời gian 30 phút/ buổi.

Gói này dành cho khách hàng muốn tập dự phòng các bệnh lý sàn chậu sau này, cũng như cách vận dụng nhóm cơ sàn chậu trong quá trình sinh hoạt, vận động, tập các môn thể thao mạnh chấn động lên sàn chậu.

Gói tập máy: Tập sàn chậu với máy tập chuyên dụng phản hồi sinh học, kích thích điện cơ, 3 buổi/tuần, thời gian 30 phút/buổi. Nhiều phụ nữ tự tập mà không có hướng dẫn của người có chuyên môn gây ra tác dụng ngược lên hệ thống cơ sàn chậu làm cho tình trạng són tiểu, giãn âm đạo, sa tạng chậu bị ảnh hưởng xấu hơn.

Khi tập với máy tập chuyên dụng dưới hướng dẫn của chuyên viên sàn chậu, bạn sẽ dễ dàng tập co đúng nhóm cơ sàn chậu cần tập, cải thiện nhanh chóng tình trạng rối loạn chức năng sàn chậu. Một số dụng cụ cần thiết sử dụng riêng từng cá nhân khi tập với máy, bạn cần phải mua riêng và sẽ không tính vào giá của gói tập máy. Gói tập máy dành cho những người cơ sàn chậu yếu, âm đạo giãn rộng, không thể tự co thắt đúng cơ hoặc co rất ít, co không hiệu quả.

Gói kết hợp: Kết hợp 2 buổi tập với máy chuyên dụng và 1 buổi tập thể dục sàn chậu. Đây là gói có nhiều lợi điểm dành cho khách hàng có thể kiểm soát tương đối sự co thắt cơ sàn chậu, nhưng muốn được tập chuyên sâu hơn và tốt hơn để dự phòng, cải thiện tốt hơn sức khỏe sàn chậu hoặc điều trị hiệu quả các rối loạn chức năng sàn chậu.

Lưu ý: Việc chọn lựa gói tập sàn chậu có thể theo yêu cầu riêng của từng khách hàng sau khi đã tìm hiểu về gói tập với các tư vấn viên chăm sóc khách hàng của bệnh viện. Ngoài ra, cần tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ chuyên gia về sàn chậu để được khám, đánh giá và tư vấn gói tập phù hợp với thể trạng, và tiên lượng các khả năng thích nghi, thành công, mục đích điều trị từng trường hợp cụ thể.

Tham khảo nguồn: https://tamanhhospital.vn/roi-loan-san-chau/

Bài viết liên quan

TRIỂN KHAI THÍ ĐIỂM KỸ THUẬT ĐO TRỞ KHÁNG NIÊM MẠC THỰC QUẢN MIVU

Phòng Khám Hoàng Long đã phối hợp và hỗ trợ công ty Vinmed triển khai thí điểm kỹ thuật đo trở kháng niêm mạc thực quản Mivu của hãng Diversatek Healthcare, đây là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay trong chẩn đoán Gerd. Việc thí điểm giúp các chuyên gia đầu ngành tiếp cận […]

Xem thêm

ĐÀO TẠO CẬP NHẬT KIẾN THỨC Y KHOA VỀ KỸ THUẬT THĂM DÒ NHU ĐỘNG ĐƯỜNG TIÊU HÓA

Khóa “ Đào tạo cập nhật kiến thức y khoa về kỹ thuật thăm dò nhu động đường tiêu hóa” được tổ chức bởi Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa – gan mật đã khép lại trong niềm hân hoan và vui mừng của tất cả các học viên tham dự. Khóa đào […]

Xem thêm

KỸ THUẬT TVT TRONG ĐIỀU TRỊ TIỂU KHÔNG TỰ CHỦ

Tension-Free Vaginal Tape (TVT) Kỹ thuật TVT Đây là thủ thuật đeo đai phổ biến nhất để khắc phục tình trạng tiểu không tự chủ do căng thẳng ở phụ nữ. Đây là phương pháp xâm lấn tối thiểu với tỷ lệ chữa khỏi cao (thành công > 95%) và ít biến chứng nhất nếu […]

Xem thêm

Tiểu không tự chủ

5 điểm chính: Có nhiều nguyên nhân gây tiểu không tự chủ mặc dù bệnh sử có vẻ giống nhau Điều quan trọng là phải xác định đúng loại tiểu không tự chủ và điều này cần có chuyên gia được đào tạo về rối loạn chức năng bàng quang Khám thực thể, xét nghiệm […]

Xem thêm

Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính(BPH)

Benign Prostatic Hyperplasia (BPH) Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính 5 điểm chính: BPH thường bắt đầu ở tuổi 50 Triệu chứng ban đầu là đi tiểu nhiều lần cả ngày lẫn đêm, sau đó là tiểu khó và chảy nước dãi cuối dòng. Nếu không được điều trị, tuyến tiền liệt phì đại […]

Xem thêm